7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc trong 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN
Mặc dù nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh đã được đưa ra, tuy nhiên, việc tiếp cận được các gói hỗ trợ này vẫn còn khá “xa vời” với các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bùi Lâm, Phó ban nhân sự, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, thời điểm tháng 4 chúng ta không có chuyến bay nào, đến tháng 5 giãn cách dần và dần khôi phục. Tuy nhiên, do bay quốc tế chưa được thực hiện, bức tranh trong sử dụng lao động của doanh nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Trong tháng 4 vừa qua, chỉ có 15-20% số người lao động của Vietnam Airlines đi làm, có tới 80% nghỉ việc. Chúng tôi có quan điểm không sa thải công việc. Đến nay tỉ lệ lao động đi làm trở lại là 50%”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Số lao động mất việc làm trong 6 tháng đầu năm 2020 khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất gần 900 nghìn người.
Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động ngành bán buôn, bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống
Trong quý III, doanh nghiệp dự kiến số nguồn lực lao động quay trở lại hoạt động là 65%. Đại diện Vietnam Airlines khẳng định nếu chúng ta mở được thị trường lao động như vậy thì cũng phải đến tháng 9 mới hồi phục, tháng 6-7-8 vẫn là khó khăn. Do đó, doanh nghiệp đề xuất cho doanh nghiệp hoãn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng BHXH là nội dung gặp “va đập” nhiều nhất khi đi vào thực hiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, đại diện Vasep đề xuất chính sách về BHXH áp dụng giảm, lùi như nộp thuế. “Doanh nghiệp mong được giảm chứ không chỉ là giãn. Việc hoãn nộp không có nhiều ý nghĩa, việc giảm nên được thực hiện ít nhất trong giai đoạn 3 tháng chịu tác động nặng nề vừa qua. Việc miễn giảm BHXH sẽ có nhiều ý nghĩa vì ảnh hưởng trực tiếp tới quỹ lương”, Phó Tổng thư ký Vasep kiến nghị.
Đại diện Tổng công ty May 10 cũng cho rằng cần cơ cấu nợ cho dừng đóng BHXH.
Đại diện Tổng công ty May 10 đồng thời cho biết yêu cầu để tiếp cận gói tín dụng khi doanh nghiệp “không còn nguồn tài chính để chi trả lương cho lao động” là quy định không rõ ràng.
Doanh nghiệp đề xuất nới điều kiện được áp dụng gói hỗ trợ doanh nghiệp hậu COVID-19. Theo đó, doanh nghiệp được hỗ trợ khi “doanh thu giảm 20%” thay vì “doanh nghiệp có doanh thủ giảm 50%” như hiện nay.
“Điều kiện doanh nghiệp có doanh thu giảm 20% được nhận hỗ trợ là điều kiện phù hợp thay vì mức giảm doanh thu 50% như hiện nay”, đại diện Tổng công ty May 10 đề xuất.
Cùng quan điểm, ông Hồ Lê Hùng, Tổng giám đốc Dệt may Hà Nội (Hanosimex) cho biết, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thì khó khăn lớn nhất trong giai đoạn COVID-19 là bị doanh nghiệp đối tác hoãn nhận hàng, không thanh toán, tức doanh nghiệp không có tài chính.
Trong khi đó, việc tiếp cận gói hỗ trợ khó khăn. Cụ thể, điều kiện “không có doanh thu, doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng lao động” là rất khó khăn để doanh nghiệp áp dụng được.
Doanh nghiệp đề xuất giảm điều kiện. Cùng với đó hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng chính sách để trả lương lao động.
Theo : enternews.vn